Truyền thông số là chìa khóa mở cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ
Mới đây, Công cụ tìm kiếm và Trình duyệt Cốc Cốc đã phát hành Báo cáo về Truyền thông số, điểm lại những xu hướng mới, sự thay đổi trong dòng chảy thị trường và trong chính hành vi của người dùng để đưa ra những phân tích về vai trò của truyền thông số trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chuyển đổi số.
Báo cáo này được ông Trần Đức Quyết - Giám đốc Phát triển đối tác của Cốc Cốc chính thức công bố trong khuôn khổ diễn đàn “Chuyển đổi số trong Doanh nghiệp: Tư duy và hành động mới” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.
Cốc Cốc công bố báo cáo mới về tác động của truyền thông số tới doanh nghiệp.
Báo cáo “Truyền thông số: Chìa khóa mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ” đưa ra 3 xu hướng nổi bật nhất của người dùng số Việt Nam khi lên mạng. Theo đó, 3 xu hướng gồm: Hành vi trực tuyến đa tác vụ; Mua sắm online và Tiếp xúc với các phương tiện truyền thông số.
Số liệu thống kê từ báo cáo của Cốc Cốc cũng cho thấy, xu hướng dẫn đầu Internet hiện nay là hành vi trực tuyến đa nhiệm - đa thiết bị và đa tác vụ với thế hệ người dùng GenZ (người dùng với độ tuổi từ 18 - 24). Cụ thể, có tới 62% người dùng được hỏi cho biết họ có thói quen sử dụng đồng thời nhiều thiết bị cùng một lúc. Trong đó, gần 80% người dùng sử dụng điện thoại để nhắn tin, nghe nhạc, chơi game, xem video hoặc kết nối với người khác; gần 50% người dùng sử dụng điện thoại để mua sắm trực tuyến.
Điều này thể hiện rõ sự quan tâm và nhu cầu của người dùng Việt về giải trí và kết nối trong quá trình lên mạng, nhất là trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực và thế giới Internet ngày càng “phẳng” hơn.
Khi tất cả các hoạt động như học tập, làm việc, giải trí,... đều được diễn ra trên môi trường số thì mua sắm trực tuyến và thanh toán phi tiền mặt đã có bước nhảy vọt ấn tượng và dần trở thành xu hướng bền vững mới. Toàn bộ hành trình mua hàng của người dùng từ nhận thức, cân nhắc tới ra quyết định đều được thực hiện trên môi trường kỹ thuật số.
Theo đó, có tới 47% người dùng chọn sử dụng phương thức thanh toán hiện đại, bao gồm: chuyển khoản, ví điện tử, thẻ ngân hàng nội địa, thẻ tín dụng. Ưu điểm của mua sắm trực tuyến được đưa ra là tiết kiệm thời gian mua bán, tiện lợi trong việc thanh toán và có nhiều ưu đãi hơn so với mua và thanh toán trực tiếp.
Cùng với việc dịch chuyển mọi hoạt động từ offline sang online trên môi trường số, người dùng đang tiếp xúc với các phương tiện truyền thông số mọi lúc, mọi nơi. Quảng cáo trực tuyến hiện đứng đầu trong 9 ngành hàng do Cốc Cốc nghiên cứu, đứng trên cả những ngành hàng có mức độ số hóa cao như Thương mại điện tử, Xe cộ, Du lịch, …
Đối với người dùng số, mức độ phổ biến của các phương tiện truyền thông trực tuyến như Website, mạng xã hội, máy tìm kiếm, trang video đã vượt qua các phương tiện truyền thống như TV, báo đài hay biển bảng quảng cáo ngoài trời.
Những thay đổi về hành vi và nhận thức của người dùng số dẫn đến sự chuyển dịch của thị trường. Điều này buộc các doanh nghiệp phải thích ứng kịp thời để tìm ra những hướng đi phù hợp. Theo ông Trần Đức Quyết, để vượt qua “làn sóng” số hóa đang lan tỏa mạnh mẽ này, doanh nghiệp cần tập trung vào truyền thông số. Qua đó, doanh nghiệp có thể tiếp cận gần hơn tới người dùng, nâng cao năng lực cạnh tranh và tiến tới chuyển đổi số toàn doanh nghiệp.
Với cương vị là Công cụ tìm kiếm và Trình duyệt "Make in Việt Nam" duy nhất, Cốc Cốc luôn không ngừng cải tiến các sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trên nền tảng Quảng cáo, từ đó đồng hành giúp doanh nghiệp thích ứng nhanh với chuyển đổi số, ông Trần Đức Quyết khẳng định.
Cốc Cốc hiện đứng thứ 2 tại Việt Nam về thị phần trình duyệt và công cụ tìm kiếm, với trên 28 triệu người dùng trên nền tảng máy tính và di động. Khác với các sản phẩm công cụ tìm kiếm khác trên thế giới, Cốc Cốc là sản phẩm công nghệ dành riêng cho người Việt.
Nguồn: Cốc Cốc
Đăng nhận xét